Cột mốc phát triển của trẻ sơ sinh: Tập nói
Khi nào bắt đầu cột mốc phát triển của trẻ sơ sinh: tập nói?
Trẻ thường sẽ học cách nói chuyện trong 2 năm đầu đời. Tuy nhiên, phải tốn một khoảng thời gian rất lâu trước khi trẻ có thể tự thốt ra từ ngữ đầu tiên, chúng cần phải học các quy tắc ngôn ngữ cũng như cách sử dụng nó từ việc quan sát và lắng nghe, trước khi chúng phát ra thành tiếng.
Quá trình tập nói của bé bắt đầu từ việc trẻ học cách sử dụng lưỡi, môi, vòm miệng và bất kỳ chiếc răng mới mọc nào để tạo ra âm thanh phù hợp, bắt đầu từ tiếng khóc, sau đó đến tiếng ọ, ẹ, ô, a trong tháng đầu tiên, và bập bẹ không lâu sau đó. Trẻ sẽ bắt đầu nói được những từ đơn giản như ma ma, đa đa, khiến mẹ vô cùng hạnh phúc.
Kể từ cột mốc phát triển này, bé sẽ tiếp tục nói nhiều hơn, qua cách bắt chước và quan sát cử động miệng cũng như lắng nghe âm thanh từ mọi người xung quanh. Không hiếm bé có thể nói được 2-4 từ vào khoảng 18-24 tháng tuổi. Khi bé có thể kiểm soát được tình cảm và hành vi của mình, bé có thể bày tỏ với người khác về những gì bé nhìn, nghe và cảm thấy được.
Quá trình của cột mốc phát triển của trẻ sơ sinh: tập nói diễn ra như thế nào ?
Nắm rõ được các cột mốc quan trọng trong quá trình này, mẹ sẽ biết được cách dạy trẻ tập nói và giúp con phát triển khả năng ngôn ngữ tốt hơn. Nếu bé được nuôi dạy trong môi trường song ngữ, có thể bé sẽ hơi chậm nói hơn một chút so với các bạn khác.
Trong tử cung: Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ bắt đầu hiểu được ngôn ngữ khi vẫn còn trong bụng mẹ. Cũng như cảm nhận nhịp đập trái tim mẹ, bé cũng có thể nhận được giọng nói của mẹ và phân biệt nhiều kiểu giọng nói khác.
Từ sơ sinh đến 3 tháng: Khóc là hình thức giao tiếp đầu đời rất sơ khai của bé. Tùy vào tính cách của từng bé con, mẹ có thể giải mã nhu cầu của bé qua những tiếng kêu. Một tiếng hét có thể là bé đang đói, tiếng khóc ngắt quãng khó chịu nghĩa là trẻ muốn thay tã. Khi lớn thêm một chút, bé sẽ bắt đầu biết thở dài, hoặc tự phát ra những tiếng kêu ngộ nghĩnh khác. Đối với khả năng hiểu ngôn ngữ, bé bắt đầu nhận ra âm thanh hình thành thế nào và sự giống nhau của ngôn từ phát ra từ mọi người xung quanh.
Từ 4-6 tháng: Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu bập bẹ, kết hợp lẫn nguyên âm và phụ âm, chẳng hạn như ba ba, ya ya. Vào khoảng 6 tháng, bé có thể phản ứng khi mẹ gọi tên mình. Bạn có thể dễ dàng nghe ra khi bé nói ma ma hay đa đa. Nỗ lực của bé khi nói chuyện với mẹ phải nói là vô tận. Bé luôn cố gắng hết sức để sử dụng lưỡi, răng, vòm miệng và thanh quản của mình để phát ra những âm thanh ngộ nghĩnh nhằm giao tiếp với mọi người. Điều thú vị là, trẻ sơ sinh ở tuổi này trên khắp thế giới đều phát ra một kiểu âm thanh tương tự nhau như ba, ma, ka, đa, ya.
Từ 7-12 tháng: Bé sẽ dần bập bẹ theo âm thanh nghe thấy và cố gắng nói sao cho giống. Ở giai đoạn này, mẹ nên thường xuyên đọc sách, kể chuyện hoặc nói chuyện cùng con để giúp bé phát triển khả năng ngôn ngữ của mình.
Từ 13-18 tháng: Bây giờ bé đã biết sử dụng một hoặc nhiều từ khi nói chuyện với mẹ, và bắt đầu nhận ra từ ngữ có ý nghĩa. Bé thậm chí còn có thể lên hoặc xuống giọng với từ mà mình biết tùy vào ngữ cảnh.
Từ 19-24 tháng: Bé đã có thể nói khoảng 50 từ, đồng thời khả năng hiểu ngôn ngữ của bé cũng phát triển rất nhiều. Bé quan sát, lắng nghe và học thêm từ mới mỗi ngày. Ở tuổi này, bé đã có thể nói được 2 từ rồi nhé, chẳng hạn như mẹ ơi, ba ơi, bồng bồng, đi chơi… Cảm giác mình khá trưởng thành vì đã có thể diễn đạt những điều mình muốn, bé thường có xu hướng chỉ làm những gì mình thích. Mẹ không thể nào chỉnh bé khi bé nói Mẹ dép thay vì dép mẹ.
25-36 tháng: Bé đã bắt đầu phân biệt được cách xưng hô, biết mình xưng con và phải gọi ba mẹ. Trong độ tuổi này, vốn từ vựng của bé không ngừng phát triển và mở rộng. Bé có thể nối các danh từ và động từ vào với nhau để tạo nên câu đơn giản: Con muốn đi chơi. Khi lên 3, mẹ sẽ hết sức đau đầu với một tên nhóc tinh vi, nói nhiều trong nhà. Bé sẽ không ngừng đưa ra những bình luận, lý lẽ hết sức thú vị và ngộ nghĩnh, đồng thời hỏi và “làm phiền” mẹ rất nhiều.
Bố mẹ nên làm thế nào để hỗ trợ cột mốc phát triển của trẻ sơ sinh: tập nói ?
Thường xuyên nói chuyện: Không có nghĩa mẹ cứ phải huyên thuyên không ngừng nghỉ. Thay vào đó, tranh thủ thời gian ở bên con để trò chuyện.Mô tả những gì mẹ đang làm, đặt câu hỏi, hát.
Đọc sách cho con: Đây là cách tuyệt vời để phát triển vốn từ vụng nhỏ bé của trẻ. Cách sắp xếp câu chữ trơn tru sẽ giúp bé hiểu được quy tắc của ngôn ngữ. Đừng quên kể chuyện bằng cảm xúc, bé sẽ hiểu trọn vẹn hơn nội dung của truyện mẹ kể.
Luôn luôn lắng nghe: Và thấu hiểu nữa. Bất cứ khi nào trẻ bập bẹ, nhìn vào mắt bé với hàm ý mẹ hiểu rồi. Bé sẽ được khuyến khích nói nhiều hơn để thu hút sự tập trung, chú ý của bạn.
Bố mẹ cần làm gì nếu trẻ vẫn chưa chịu nói ?
Bố mẹ vừa là phụ huynh, vừa là người bạn đánh giá tốt nhất khả năng ngôn ngữ của trẻ. Nếu bố mẹ nhận thấy trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào được liệt kê dưới đây và cảm thấy lo lắng thì bố mẹ nên bắt đầu thảo luận vấn đề chậm nói của con mình với một cách sĩ nhi khoa uy tín.
Bác sĩ nhi khoa được chọn nên là một bác sĩ chuyên nghiên cứu vấn đề ngôn ngữ cho bệnh nhi. Ngoài bác sĩ, bố mẹ cũng có thể tìm sự hướng dẫn từ nhà trẻ, trường học tại địa phương.Những người có kinh nghiệm trong vấn đề này sẽ cho bố mẹ những lời khuyên hữu ích. Trẻ còn có thể được phát triển khả năng ngôn ngữ thông qua các hoạt động cộng đồng, và đôi khi, nhờ vào các hoạt động đó, việc chậm nói của trẻ sẽ được phát hiện sớm hơn và mau chóng được can thiệp.
Dưới đây là một vài dấu hiệu bố mẹ cần lưu ý ở trẻ:
Đối với trẻ từ 13 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi: Trẻ không dùng tay chỉ trỏ những đồ vật cho bố mẹ thấy, không nói những từ mới, không phát âm được ít nhất 6 tiếng vào khoảng 18 tháng tuổi. Hoặc thậm chí đã từng 1 lần mất khả năng ngôn ngữ., không phát thành tiếng được.
Đối với trẻ từ 19 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi: Ở giai đoạn 24 tháng tuổi, trẻ không thể chỉ trỏ những bộ phận trên cơ thể, không làm theo được những hướng dẫn đơn giản từ bố mẹ, không thể bắt chước âm thanh hoặc hành động từ người lớn mà chỉ sử dụng những từ đơn lẻ.
Đối với trẻ từ 25 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi: Đến lúc trẻ được 36 tháng tuổi mà vẫn chưa thể nói một lúc 2 hoặc 3 từ, không làm theo đúng những hướng dẫn đơn giản từ người lớn, nói những từ ngữ rời rạc, khó hiểu.
Nếu trẻ nói lắp, đó không hẳn được xem là một vấn đề.Nói lắp là một giai đoạn hết sức bình thường trong quá trình phát triển của trẻ, đặc biệt là khi khả năng giao tiếp của trẻ phát triển quá nhanh.Đôi khi là vì trẻ quá háo hức muốn nói với bố mẹ những điều thú vị vừa nảy ra trong tâm trí trẻ nhưng lời nói của trẻ không phát ra một cách đủ nhanh để đáp ứng sự háo hức đó.
Tuy nhiên, nếu trẻ tiếp tục nói lắp cho đến khi trẻ được 4 tuổi, hoặc nếu tệ hơn, trẻ phải cố gắng rất nhiều trong việc điều khiển cơ mặt và 2 hàm răng của mình để có thể phát ra tiếng nói thì bố mẹ cần nói chuyện với bác sĩ nhi khoa về điều này. Hầu hết các nhà trẻ hoặc trường địa phương sẽ kiểm tra và giúp đỡ các bậc phụ huynh nếu quá trình nói lắp kéo dài liên tiếp hơn 6 tháng.
Giai đoạn tiếp theo sau khi trẻ đã có thể nói là gì ?
Khi trẻ ngày một lớn, trẻ sẽ nói càng nhiều, nhiều tới mức mà đôi khi bố mẹ mong muốn có được những khoảng thời gian bình lặng không tiếng ồn. Đối với hầu hết trẻ em, chúng đều thích chơi đùa những trò chơi ở trường mầm non, về động vật và chia sẻ cho bạn thân của chúng những gì trẻ thích ăn.
Khi trẻ được khoảng 4 tuổi, trẻ đã có thể nói được một câu dài khoảng từ 4 đến 5 chữ, và đây chính là giai đoạn trẻ làm quen với ngữ pháp của câu. Giai đoạn tiếp theo, trẻ sẽ có thể kể một câu chuyện với lượng thông tin và từ ngữ vừa đủ để một người lạ có thể hiểu được. Và chúng sẽ bắt đầu những chuỗi câu hỏi “Vì sao?”.
Social Links: